Kiểm soát tải trọng - giữa đường đứt gánh

Sau một thời gian rầm rộ việc kiểm soát tải trọng, từ giữa năm 2015 tình trạng chở quá tải bắt đầu nhen nhóm trở lại. Kế hoạch 12593 ngày 21/11/2013 giữa Bộ GTVT và Bộ Công an kết thúc vào tháng 6/2016 cũng là lúc tình trạng quá tải thừa cơ bùng phát. Ngày 01/3/2017, lực lượng CSGT đã rút hết khỏi các trạm kiểm soát tải trọng. Các trạm cân hoạt động cầm chừng bởi chỉ riêng lực lượng Thanh tra giao thông, kiểm soát xe quá tải chẳng khác nào “múa tay trong bị”.

br class=

Xe contenner nối đuôi nhau trên đường phố Hải Phòng. Ảnh : Trung Thành

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải phòng cho biết, tình trạng xe chở hàng quá tải diễn ra phức tạp trên các tuyến đường. Nhiều phương tiện chở hàng quá tải đi vào đường cấm, trốn vé cầu đường.

“Nhờ” quá tải mà nhu cầu phương tiện chuyên chở giảm đi đáng kể, gần như trở về giai đoạn trước 2014. Điều này đồng nghĩa việc có khoảng 5.000 đầu xe nằm phủ bụi trong các bãi. Thiếu hàng, phí đường bộ cao, giá xăng dầu tăng,... một số doanh nghiệp đã phải đem trả phù hiệu, tem đăng kiểm cho Sở GTVT Hải Phòng để dừng hoạt động xe.

Dang dở trong bài toán kiểm soát tải trọng còn khiến hạ tầng giao thông xuống cấp, tình trạng mất an toàn giao thông gia tăng. Vì thế vừa qua Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đã phải gửi đơn kêu cứu đến các cấp ngành hữu quan.

Ngân hàng – nạn nhân?

Thừa xe, thiếu hàng, các doanh nghiệp đưa nhau vào một cuộc cạnh tranh giá cước khốc liệt. Đa số các doanh nghiệp đều phải vay vốn ngân hàng, tài sản thế chấp là xe. Những doanh nghiệp nào năng lực tài chính tốt, vay vốn ít, lay lắt tồn tại. Những doanh nghiệp làm ăn kiểu “tay không bắt giặc” coi như đánh dấu chấm hết.
Nguy cơ phá sản, các doanh nghiệp bán tống bán tháo phương tiện để trả nợ ngân hàng. Một chiếc xe đầu kéo Trung Quốc, lúc cao điểm có giá lên đến 1,2 tỷ đồng chưa kể rơ mooc, nhưng hiện nay bán cũng chưa chắc được nổi 500 triệu cả rơ mooc, chưa kể xe bán chẳng có người mua. Một chủ doanh nghiệp vận tải ước tính, ½ số phương tiện được mua bằng vốn vay, công ty nhỏ thì có thể đến 2/3, thậm chí 100% đầu xe “cắm” trong ngân hàng.

Khi “thượng đế” làm ăn bết bát, ngân hàng tính chuyện xiết nợ. Thế nhưng dẫu có thu về phương tiện thì ngân hàng cũng chỉ bán làm sắt vụn. Bởi giá trị xe lúc này xuống dưới 1/3 giá trị xe thế chấp, chưa kể thị trường xe container lúc này rẻ như cho.

Ông Đặng Thế Phương, PCT Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng để cứu vận tải hàng hóa đường bộ, trước mắt ngân hàng nên chia sẻ với các doanh nghiệp bằng việc giãn nợ; tiếp tục thực hiện việc kiểm soát tải trọng; Nhà nước cần có chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm phí đường bộ,...